Lịch sử Thế vận hội dành cho người khuyết tật

Các vận động viên đầu tiên

Tiến sĩ Ludwig Guttmann

Các vận động viên khuyết tật đã thi đấu ở Thế vận hội Olympic trước khi Thế vận hội Paralympic ra đời. Người đầu tiên tiêu biểu cho trường hợp này là vận động viên thể dục người Mỹ George Eyser, với một chân giả ông đã tham gia vào Thế vận hội mùa hè tổ chức tại Hoa Kỳ năm 1904. Karoly Takacs người Hungary thi đấu ở bộ môn bắn súng trong cả hai kì Thế vận hội Olympic Mùa hè 1948 và 1952. Karoly bị khuyết cánh tay phải và có khả năng bắn bằng tay trái. Một vận động viên khuyết tật khác xuất hiện trong Thế vận hội Olympic trước Paralympic là Liz Hartel, một vận động viên đua ngựa người Đan Mạch. Liz đã mắc bệnh bại liệt vào năm 1943 và giành huy chương bạc ở bộ môn huấn luyện ngựa (dressage).[5]

Cuộc thi thể thao đầu tiên được tổ chức dành cho vận động viên khuyết tật diễn ra trùng với Thế vận hội Olympic là vào ngày khai mạc Olympic Mùa hè 1948 tại Luân Đôn. Tiến sĩ Ludwig Guttmann giám đốc bệnh viện Stoke Mandeville[6] đã tổ chức một cuộc thi thể thao cho các bệnh nhân là cựu chiến binh người Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai bị chấn thương tủy sống. Những cuộc thi đầu tiên được gọi là Cuộc thi Xe lăn Quốc tế 1948 và được dự định tổ chức cùng lúc với Olympic 1948[7] Mục tiêu của tiến sĩ Guttmann là tạo ra một cuộc thi thể thao ưu tú cho người khuyết tật có thể sánh ngang với Thế vận hội Olympic[7] Cuộc thi được tổ chức lần tiếp theo tại cùng một địa điểm vào năm 1952, và những cựu chiến binh Hà Lan đã tham gia cùng với người Anh. Đây là cuộc thi đấu nhân đạo mang tính quốc tế đầu tiên diễn ra. Những cuộc thi bắt nguồn từ sớm này, còn được gọi là Cuộc thi Stoke Mandeville, được xem như tiền thân của Thế vận hội Paralympic.[8]

Các mốc lịch sử

Đã có một số mốc quan trọng trong phong trào Paralympic. Kì Paralympic chính thức đầu tiên không còn tổ chức riêng cho cựu chiến binh được tổ chức tại Roma vào năm 1960,[9] thu hút 400 vận động viên từ 23 quốc gia thi đấu. Các nội dung thi đấu chỉ dành cho vận động viên ngồi xe lăn.[7] Tại Paralympic Mùa hè 1976, lần đầu tiên các vận động viên với nhiều dạng khuyết tật khác nhau đã được phép tham gia. Với sự gia tăng nhiều loại khuyết tật được phép tham gia trong bảng phân loại, Paralympic Mùa hè 1976 có số vận động viên lên đến 1.600 từ 40 quốc gia khác nhau.[10] Paralympic Mùa hè 1988 tại Seoul, Hàn Quốc là một mốc quan trọng khác đối với phong trào Paralympic. Seoul là nơi Paralympic Mùa hè được tổ chức ngay sau Olympic Mùa hè, cùng được đăng cai tại một thành phố, cùng sử dụng các thiết bị và tiện ích vật chất như nhau. Điều này đã trở thành một tiền lệ và tiếp tục diễn ra vào năm 1992 và 1996. Việc tổ chức này cuối cùng đã được chính thức hóa qua một thỏa thuận giữa Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 2001.[10][11] Paralympic Mùa đông 1992 là kì Paralympic Mùa đông đầu tiên sử dụng cùng tiện ích cơ sở vật chất như Olympic mùa đông. Từ năm 1960, Thế vận hội Paralympic diễn ra vào cùng năm với Thế vận hội Olympic.[10][12]

Thế vận hội Mùa đông

Tập tin:Sumi (mascot).jpgSumi, linh vật của Thế vận hội Paralympic Mùa đông 2010.

Thế vận hội Paralympic Mùa đông đầu tiên diễn ra vào năm 1976 tại Örnsköldsvik, Thụy Điển. Đây là Paralympic đầu tiên mà nhiều loại vận động viên khuyết tật có thể tham gia thi đấu.[10] Paralympic Mùa đông được tổ chức bốn năm một lần vào cùng năm với Paralympic Mùa hè, tương tự như ở Thế vận hội Olympic. Truyền thống này được duy trì cho đến Paralympic Mùa đông 1992 tại Albertville, Pháp; sau thời điểm đó cho đến nay, Paralympic Mùa đông và Olympic Mùa đông được tổ chức vào những năm chẵn và cách 2 năm so với Thế vận hội Mùa hè.[10]

Thế vận hội gần đây

Các môn thi đấu ở Paralympic được xây dựng nên nhằm nhấn mạnh thành tích thể thao của người tham gia chứ không phải khuyết tật của họ.[4] Phong trào phát triển đáng kể từ những ngày đầu thành lập - điển hình như số lượng vận động viên tham gia đã tăng từ 400 vận động viên tại Paralympic Mùa hè 1960 ở Roma đến hơn 3.900 vận động viên từ 146 quốc gia tại sự kiện 2008 ở Bắc Kinh.[13] Thế vận hội Paralympic Mùa hè và Mùa đông được công nhận trên trường quốc tế. Paralympics không còn là sự kiện tổ chức duy nhất dành cho các cựu chiến binh Anh hoặc cho các vận động viên xe lăn, mà dành cho tất cả các vận động viên ưu tú với nhiều dạng khuyết tật từ khắp mọi nơi trên thế giới.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thế vận hội dành cho người khuyết tật http://www.sports.org.au/sports/athletics.html http://www.cbc.ca/olympics/story/2008/09/02/f-para... http://www.canada2010.gc.ca/101/histor/010203-eng.... http://www.paralympiceducation.ca/Content/History/... http://www.canada.com/vancouversun/news/westcoastn... http://sportsillustrated.cnn.com/more/news/2002/03... http://sportsillustrated.cnn.com/paralympics/news/... http://sportsillustrated.cnn.com/paralympics/news/... http://www.deaflympics.com/news/publishedarticles.... http://www.facebook.com/ParalympicSport.TV